image

TIN TỨC

Trang chủ Hoạt động từ thiện BWACO tặng quà cho bà con dân tộc Điện Biên

Hoạt động từ thiện xã hội

3 giọt nước 3 giọt nước 3 giọt nước

BWACO tặng quà cho bà con dân tộc Điện Biên

 

“Có cái thùng này đựng nước thích lắm, đi làm nương về có nước để nấu ăn, tắm rửa tiện lắm. Cám ơn cán bộ nhiều nhiều”. Tiếng kinh lơ lớ của chị Quàng Thị Lan, người dân tộc Thái làm chúng tôi phải thật tập trung mới hiểu rõ chị đang nói gì.

 

Lần đầu tiên kết hợp du lịch và từ thiện, dự định trong chuyến tham quan các tỉnh Tây Bắc, đến Điện Biên chúng tôi sẽ tặng áo ấm hoặc chăn bông cho trẻ vùng cao. Thế nhưng mùa này đã nắng ấm, đồ lạnh chưa cần đến, trong khi nhu cầu thùng đựng nước cho bà con lại cần thiết hơn (mỗi nhà chỉ có 2 cái xô để gánh nước về xài dần) nên đoàn đã mua 109 cái thùng đựng nước loại 220 lít (giá 300.000đ/thùng) tặng cho tất cả 109 gia đình của ba bản Huổi Tao A, Huổi Tao B và Huổi Tao C, xã Pù Nhi – một xã vùng sâu của huyện Điện Biên Đông.

 

 

Đã hẹn với cán bộ xã, 15h30 đoàn sẽ đến nơi, trên đường đi gọi điện hỏi thăm thì được biết bà con nôn nóng quá đã tập trung đông đủ từ lúc 14h30 tại nhà trưởng bản. Không có ghế ngồi, mọi người đứng khắp nơi cười nói rôm rả, cứ như ngày hội. Đoàn vừa dừng xe, bà con đã ùa ra tay bắt mặt mừng, chào các “cán bộ” tíu tít. Được nhận cái thùng nhựa thôi mà cứ như nhận món quà quý giá, thật thương.

 

 

 

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Thinh – Phó bí thư xã Pù Nhi cho biết, bà con trong bản mới được hỗ trợ hệ thống nước nông thôn. Gọi là hệ thống nhưng thực chất là 1 cái bể chứa nước chung, thỉnh thoảng mới được bơm đầy, hàng ngày bà con phải chia nhau mang thùng ra gánh về nhà. Giờ được Công ty tặng cái thùng này bà con vui lắm, không đựng nước thì có thể đựng khoai sắn dùng dần tốt quá.

 

 

 

Xã Pù Nhi chỉ cách trung tâm TP. Điện Biên khoảng 20 cây số thế mà xe ô tô phải mất 1 tiếng đồng hồ lắc lư trên con đường mù mịt bụi bặm, đầy ổ trâu, ổ voi. Bà con ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, một số ít là người Mông, đời sống tự cung tự cấp. Từng nhà một, họ tự làm nương, trồng rau, nuôi dê, bò, vịt gà phục vụ gia đình. Tuy nhiên, ở đây đất đai khô cằn, mùa đông giá rét, mùa hạ khô hạn, gió Lào thổi mạnh, nước còn không có đủ dùng lấy đâu tưới cây, nên cuộc sống hết sức khó khăn.

 

 

Tặng quà xong, chúng tôi ghé thăm vài ba nhà gần đó. Leo lên nhà bà Đường Thị Ơn, 80 tuổi, đi trên sàn nhà bằng tre mà cứ sợ lọt chân xuống vì quá ọp ẹp. Nhà tối om, nhìn căn bếp của bà mà không cầm lòng được. Anh trưởng bản cho biết bà lớn tuổi không làm nương rẫy được, nuôi mấy con dê. Hàng ngày cậu con trai đi chăn nhưng khổ nỗi cậu bị thiểu năng nên toàn lùa dê của người ta về, còn dê của mình thì lạc mất, lại phải đi tìm, mọi người có sáng kiến, cột thêm sợi nơ đỏ cho dê, cứ con nào có màu đỏ ở cổ là lùa về, thế là cậu làm được. Mỗi tháng mẹ con bà được trợ cấp 180 nghìn đồng, hỏi như thế tiêu đủ không, bà gật đầu “đủ” thật vô tư. Biếu bà 500 nghìn, bà cầm tiền mà ngẩn ngơ xúc động không nói được gì phải nhờ anh trưởng bản nhắc cảm ơn “cán bộ” đi.

 

Còn một điều chúng tôi muốn chia sẻ thêm, hầu hết phụ nữ ở đây da trắng, tóc dài, đặc biệt không có người béo phì. Chị nào có gia đình rồi đều quấn tóc lên đỉnh đầu, gọi là “tầng cẩu”. Hỏi bí quyết nào để tóc dài, mượt lại rất ít bạc (có bà hơn 60 tuổi vẫn chưa thấy cọng tóc bạc nào). Không hề dùng dầu gội (mà thực chất làm gì có tiền mua), các chị bảo dùng nước vo gạo để vài ngày, cho ít chanh vào gội sau đó xả sạch bằng nước lạnh, mỗi tuần chỉ gội 1 lần, ở đây ai cũng làm thế. Chị em chúng ta hãy thử xem sao nhé. Chỉ băn khoăn là ở đó họ dùng gạo nương tự trồng, còn mình thì …. không biết chất lượng ra sao, có khi lại rụng hết tóc thì khổ.

Một chuyến đi thật vui và ý nghĩa, vừa được tham quan, chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp của đất nước, vừa được vào tận các bản vùng sâu, vùng xa trải nghiệm cuộc sống của bà con dân tộc. Cảm ơn Vietravel Vũng Tàu, cảm ơn hướng dẫn viên của đoàn cùng các bạn ở khách sạn Mường Thanh – Điện Biên đã tạo điều kiện và nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi tìm hiểu nhu cầu cần thiết của bà con, liên hệ với địa phương để được tận tay trao món quà thiết thực, ý nghĩa của BWACO cho bà con vùng cao đang thật sự khó khăn.