image

TIN TỨC

Trang chủ Tin tức khác - TT Giải cơn khát nước sinh hoạt của huyện Xuyên Mộc

Tin tức khác

3 giọt nước 3 giọt nước 3 giọt nước

Giải cơn khát nước sinh hoạt của huyện Xuyên Mộc

Từ 2 tháng nay, đáy đập Suối Bàn cạn trơ, nứt nẻ - Nơi đây từng có mức nước cao 3m kể từ đáy đập.
Từ 2 tháng nay, đáy đập Suối Bàn cạn trơ, nứt nẻ – Nơi đây từng có mức nước cao 3m kể từ đáy đập.

Đập Suối Bang cạn trơ đáy

Trạm bơm cấp I Bình Châu (thuộc Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc) khai thác nguồn nước mặt, lấy nước từ Suối Bang. Nguồn nước này được bổ cấp từ hồ Suối Các tại xã Hòa Hiệp, cách vị trí lấy nước 18km. Trạm có công suất 3.000m3 nước/ngày đêm, đủ cấp cho 4.300/5.475 hộ (chiếm 78,5% số hộ dân) tại xã Bình Châu theo tuyến phân phối của trạm. Vậy mà vào thời điểm cuối tháng 3 này, lòng đập khô cằn, trơ ra phần nền đáy đập nứt nẻ. Anh Nguyễn Phi Long, nhân viên vận hành trạm nói: “Chỗ tôi đang đứng đây vào mùa mưa thì nước đạt đến độ sâu 3m-3,5m so với mặt đất”. Chỉ tay về phía đầu nguồn cũng đang cạn khô, anh Long cho biết thêm, nguồn nước này cạn hay đầy là tùy vào nguồn cấp của hồ Suối Các. Nhất là vào thời điểm nắng nóng, nước các hồ chứa  nước cạn thì đập Suối Bang là điểm bị tiết giảm nước đầu tiên.

Vậy các hộ dân ở Bình Châu hiện sử dụng nguồn nước nào cho sinh hoạt? Ông Cù Xuân Học, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Xuyên Mộc thuộc Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) cho biết: Từ năm 2015, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa tại huyện Xuyên Mộc rất ít, chỉ bằng khoảng 1/3 so với các năm trước. Lượng nước tại hồ Suối Các tại xã Hòa Hiệp là nguồn dự trữ để bổ sung cho Suối Bang cung cấp cho Bình Châu, có dung tích 4,3 triệu m3 nước, nhưng chỉ tích được khoảng 3,3 triệu m3, hụt 1 triệu m3. Nguồn nước này từ 15-2-2015 đã bị tạm cắt tuyến dẫn về đập Suối Bang. Hiện Chi nhánh Cấp nước Xuyên Mộc tạm xử lý bằng cách cho bơm nguồn nước ngầm từ 6 giếng khoan dự phòng do BWACO khoan từ năm 2006, thay cho nước nguồn hồ Suối Các để trạm Bình Châu xử lý và cung ứng cho các hộ dân trong xã.

3.482 hộ chưa được sử dụng nước máy

Hiện các hộ dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc được cung ứng nước sinh hoạt theo 2 nguồn. Chi nhánh Cấp nước Xuyên Mộc gồm trạm Cấp nước Phước Bửu cấp nước cho thị  trấn Phước Bửu, xã Phước Tân, 2 ấp Thạnh Sơn 1A và Thạnh Sơn 2A của xã Phước Thuận; Trạm Cấp nước Bình Châu cấp nước cho xã Bình Châu. 10 xã còn lại được cung cấp bởi Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Nguyễn Tự Tân, Trưởng phòng Đầu tư , Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, đơn vị này cấp nước cho 10 xã thuộc huyện Xuyên Mộc thông qua các nhà máy nước (NMN): NMN Hòa Hiệp (4.000m3 nước/ngày đêm), cấp cho các xã Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Tân Lâm, Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình và một phần xã Bông Trang. NMN Bưng Riềng (800m3 nước/ngày đêm) cung cấp cho xã Bưng Riềng và một phần xã Bông Trang. NMN Láng Dài và NMN Long Tân (huyện Đất Đỏ) cung cấp cho một phần xã Phước Thuận và các hộ dân, các khu du lịch khu vực ven biển từ mũi Kỳ Vân (huyện Đất Đỏ) tới Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc).

Mùa nắng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt trong dân đồng loạt tăng cao, có thời điểm lên tới 200%. Muốn bảo đảm chia đều nguồn cung ứng cho các vùng buộc phải thực hiện việc hiệu chỉnh nguồn cấp cho từng khu vực, thậm chí điều tiết cúp nước luân phiên. “Hơn nữa, vào thời điểm mùa nắng, nước hồ cạn, các NMN phải làm phần việc súc xả tuyến ống luân phiên – cúp trả nước trong 12 giờ chắc chắn cũng gây bất lợi cho sinh hoạt, làm ăn của người dân” – ông Tân nói.

Rà soát trên thông số cập nhật vào đầu năm 2016 của 2 nguồn cung ứng nước này, huyện Xuyên Mộc hiện có 19.591 hộ dân được sử dụng nguồn nước máy. 3.482 hộ còn lại sử dụng nước giếng khoan, giếng đóng tự bơm. Ông Nguyễn Văn Long, nông dân xã Hòa Hiệp cho hay vùng ông sinh sống có khoảng 6 hộ cùng xài chung 1 giếng tự khoan với độ sâu gần 30m, rồi chia nhau tiền dầu chạy máy bơm, tháng chừng hơn trăm ngàn đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang cho biết, hiện trên địa bàn xã còn khoảng 50 hộ thuộc ấp Trang Hoàng, Trang Định không được dùng nước máy. Một phần do các địa bàn này nằm xa trung tâm xã vào khu vực sản xuất nông nghiệp. Phần khác do các hộ gia đình có đất rộng, khoảng cách giữa mỗi hộ vài ha đất, nên việc đầu tư tuyến ống nước vào từng hộ không khả thi. “Tuy vậy, theo tôi nghĩ, về lâu về dài, cần có phương án bổ sung nguồn nước sạch cho nông dân, kể cả vùng sâu vùng xa, để kéo giảm sự cách biệt về mức hưởng thụ giữa thị trấn và các xã” – ông Tường đề nghị.

Giải cứu tình trạng thiếu nước kéo dài

 Ông Lê Quốc Phú, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy lợi BR-VT cho hay, tỉnh đã có một chiến lược dài hơi nhằm giải cứu tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa nắng của huyện Xuyên Mộc, đồng thời bổ sung nguồn nước cho các địa phương khác trong tỉnh. Trung tâm đã có 2 tờ trình xin xây dựng hệ thống 2 đập dâng tại hồ Suối Bang, tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng, vừa làm nhiệm vụ trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa tạo lực đẩy dồn nước về thượng lưu cung ứng cho NMN Cấp I Bình Châu xử lý phục vụ nước sinh hoạt trong dân. Thứ hai là đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất khu vực xã Hòa Bình và xã Phước Tân, tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng. Trong đó, cả 2 giai đoạn của dự án (từ nay đến 2021) đều tăng cường nguồn nước từ hồ Sông Ray về hỗ trợ hồ Sông Hỏa và kênh Suối Bang, tăng lượng nước nguồn cho các NMN trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.

Về phía Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đơn vị này cũng đang làm chủ các dự án đầu tư xây dựng 3 NMN Sông Hỏa, Sông Ray, Đá Bàn. Trong đó, NMN Sông Hỏa và NMN Đá Bàn là 2 hợp phần thuộc dự án ODA xây dựng hệ thống cấp nước nông thôn tỉnh BR-VT, có tổng dự toán 253 tỷ đồng. NMN Sông Hỏa có công suất 5.400m3/ngày đêm dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10 năm nay, cung cấp nước cho khu vực các xã Bưng Riềng, Bông Trang, một phần xã Phước Thuận và khu ven biển Hồ Cốc – Hồ Tràm; đồng thời phối hợp với BWACO cấp hỗ trợ cho xã Xuyên Mộc thông qua hệ thống đường ống đấu nối hiện có. NMN Đá Bàn có công suất thiết kế 20.000m3, tại xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) dự kiến cũng kịp đưa vào sử dụng cuối năm nay, cấp nước cho toàn  huyện Đất Đỏ, 2 xã của TP.Bà Rịa, 2 xã của huyện Long Điền và khu vực từ Mũi Kỳ Vân (huyện Đất Đỏ) đến Hồ Tràm và Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc).

Ông Lê Quốc Phú cũng cho biết thêm, công trình NMN Sông Ray xây dựng tại xã Sơn Bình (huyện Châu Đức), từ tháng 6-2013, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 8 năm nay. Tổng dự toán là 181 tỷ đồng, công suất 10.000m3/ngày đêm, chủ yếu cấp nước cho các xã Hòa Hưng, Phước Tân, Hòa Bình, Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) và 7 xã của huyện Châu Đức.

Nguồn nước ngầm thì rất ít và còn bị nhiễm mặn. Lượng nước bơm từ 6 giếng ở Trạm Cấp nước Bình Châu chỉ có thể cung ứng tối đa 2.300m3/ngày đêm.Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nước sạch của xã lên tới 2.500-2.600m3/ngày đêm. Chúng tôi buộc phải tiết giảm chế độ cung ứng bằng cách điều tiết các van trên mạng lưới sao cho vùng nào  trong xã cũng có nước dùng. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện nay thì Chi nhánh cũng phải dự liệu kế hoạch điều tiết đủ cung cấp về cơ bản cho nhu cầu sử dụng nước ở xã này. Chúng tôi sẽ thông báo đến UBND xã và đến từng hộ dân lịch điều tiết nước, nếu có, để mọi người chủ động dự trữ nước và sử dụng tiết kiệm.

(Ông Cù Xuân Học, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Xuyên Mộc)

…………………………………………………………………….

Mặc dù Trung tâm đã phối hợp với BWACO xây dựng kế hoạch phân bổ và cung ứng nước hợp lý từ các NMN tới các địa bàn, nhưng do nguồn nước từ các hồ không cung ứng đủ so với nhu cầu thực tế sử dụng của người dân, nhất là vào mùa khô, nên việc điều tiết bằng lịch cúp nước luân phiên vài giờ/tuần là điều không tránh khỏi.

(Ông Nguyễn Tự Tân, Trưởng Phòng Đầu tư , Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh)

 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Nguồn : http://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201603/giai-con-khat-nuoc-sinh-hoat-cua-huyen-xuyen-moc-669269/