image

TIN TỨC

Trang chủ Hoạt động từ thiện Tìm hiểu về Bếp ăn tình thương bệnh viện Bà Rịa

Hoạt động từ thiện xã hội

3 giọt nước 3 giọt nước 3 giọt nước

Tìm hiểu về Bếp ăn tình thương bệnh viện Bà Rịa

 

Bếp ăn tình thương bệnh viện Bà Rịa là nơi san sẻ khó khăn cho bệnh nhân nghèo. Mỗi ngày, bếp phục vụ hơn 700 suất ăn. Tuy nhiên, để duy trì việc phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo với số lượng lớn suất ăn như thế ngoài tấm lòng tình nguyện của các đầu bếp còn rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các nhà mạnh thường quân trong đó có BWACO. Hàng quý, BWACO đều ủng hộ bếp với các loại nhu yếu phẩm như đường, dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm…. Và BWACO đã trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc, là chỗ dựa để cùng bếp ăn phục vụ bữa cơm cho bệnh nhân nghèo. Cùng tìm hiểu thêm về hoạt động của bếp ăn tình thương bệnh viện Bà Rịa qua bài viết của phóng viên Báo BR-VT dưới đây.

Ghi nhận từ Bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa : Những tấm lòng nhân ái

Cuộc sống không khá giả nhưng họ vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết để làm từ thiện, lo cho cuộc sống của người khác. Ở bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa chúng tôi gặp những người như thế.

Chị Nguyễn Thị Châu chuẩn bị cơm chay phát cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa.
Chị Nguyễn Thị Châu chuẩn bị cơm chay phát cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa.

 

10 giờ trưa, chưa đến giờ phát cơm nhưng bên ngoài bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa, bệnh nhân và người nhà đã xếp hàng chờ đông đủ. Phía trong bếp, cơm, canh và các món ăn đã được các thành viên nhóm bếp ăn từ thiện Bệnh viện Bà Rịa bày biện tươm tất. Ít ai biết rằng, để có 700-800 suất ăn miễn phí mỗi ngày phục vụ người nhà và bệnh nhân, 5 người làm công quả ở bếp ăn từ thiện đã phải thức khuya, dậy sớm và làm việc vất vả như thế nào.

Người dậy sớm nhất có lẽ là ông Nguyễn Ngọc Tuấn 55 tuổi. Hàng ngày, cứ 1 giờ 30 phút, khi mọi người còn đang say giấc, ông Tuấn đã lọ mọ thức dậy nhóm bếp chuẩn bị nấu cháo và sữa đậu nành để phát cho người nhà và bệnh nhân. Ông Tuấn cho biết, đây là năm thứ 10 ông làm việc ở bếp ăn tình thương này. Nhà ở xã An Ngãi (huyện Long Điền) nhưng thi thoảng ông mới về thăm. Đi làm không công, việc nhà cửa, con cái do một tay vợ ông Tuấn quán xuyến. “Tôi không khá giả gì nhưng thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình, vì vậy tôi đến bếp ăn từ thiện Bệnh viện Bà Rịa mong giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt vất vả. Vì tôi làm việc thiện nên vợ con đều ủng hộ, chia sẻ”, ông Tuấn khiêm tốn nói.

Bà Đoàn Thị Phụng Long, 63 tuổi được gọi là “đầu bếp” ở bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa hàng ngày cũng dậy từ rất sớm. Sau khi ông Tuấn nhóm bếp, bà Long chuẩn bị nguyên liệu nấu 300 suất cháo, 40 lít sữa đậu nành và 360 lít nước sôi. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà Long vẫn làm mọi việc rất nhanh và suốt ngày không ngơi tay. Hết nấu cháo, quấy sữa bà lại lo các món ăn cho bữa trưa, bữa chiều. Không lập gia đình, với bà những người ở bệnh viện đều là người nhà của mình. Bà Long cho biết, chế biến món chay khó hơn món mặn nên nấu sao cho ngon, hợp khẩu vị với nhiều người là không dễ. Không chỉ chăm chút từng món ăn, bà Long còn thường xuyên thay đổi thực đơn bữa ăn mỗi ngày để bệnh nhân và người nhà đỡ ngán. “Họ bị bệnh đã mệt rồi, nếu cứ ăn đi ăn lại hoài một vài món sẽ rất ngán nên có cực mấy chúng tôi cũng phải cố chế biến nhiều món để thay đổi khẩu vị, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng”- bà Long nói.

Người trẻ tuổi nhất trong số những người làm việc ở Bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa là chị Nguyễn Thị Châu, 28 tuổi. Chị Châu làm việc tại đây 4 năm. Dù có con nhỏ (5 tuổi) nhưng ngày nào chị cũng được chồng chở vào bếp ăn từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị các loại rau, củ, quả… Buổi trưa chị ở lại phụ việc bếp núc và chuẩn bị bữa chiều cho bệnh nhân. Chiều muộn chị mới vội vã về nhà lo công việc gia đình. Người không biết thì nghĩ gia đình chị Châu khá giả nên chị mới toàn tâm toàn ý dành phần lớn thời gian để làm công quả ở bếp ăn từ thiện này mà không lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng ai quen thì biết, gia đình chị cũng khá vất vả. Chồng chị Châu là thợ hồ, thu nhập bấp bênh, chị làm ở bếp ăn tình thương chỉ đủ no cơm ngày ba bữa, ngoài ra không có khoản thu nhập nào khác. “Mặc dù gia đình tôi còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng thấy nhiều người khổ hơn mình, lại ốm đau bệnh tật phải nằm viện nên tôi đến làm tại bếp ăn này. Chồng tôi rất ủng hộ vợ. Mình còn trẻ, có sức khỏe nên cố giúp bệnh nhân và thân nhân có bữa cơm ngon hơn, sạch sẽ hơn”- chị Châu tâm sự.

Rời bếp ăn tình thương Bệnh viện Bà Rịa, trong lòng chúng tôi rộn niềm vui vì đâu đó cuộc sống quanh ta vẫn có những người dù còn nghèo khó nhưng rất giàu lòng nhân ái.

 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn : http://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201403/ghi-nhan-tu-bep-an-tinh-thuong-benh-vien-ba-ria-nhung-tam-long-nhan-ai-456972