image

TIN TỨC

Trang chủ Hoạt động từ thiện BWACO – Bạn đồng hành của “Bếp ăn tình thương”

Hoạt động từ thiện xã hội

3 giọt nước 3 giọt nước 3 giọt nước

BWACO – Bạn đồng hành của “Bếp ăn tình thương”

Suốt hơn 10 năm qua, Bếp ăn tình thương bệnh viện Bà Rịa đã và đang mang đến cho thân nhân và bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện những sự sẻ chia, giúp họ vượt qua khó khăn để yên tâm trị bệnh.

Bếp ăn tình thương được thành lập từ năm 2000, do thầy Thích Định Minh, trụ trì chùa Phước Linh (Huyện Long Điền) đứng ra tạo dựng, nhằm phục vụ bữa cơm chay cho các bệnh nhân nghèo và người đi theo nuôi bệnh. Lúc mới đi vào hoạt động, bếp ăn cũng gặp nhiều khó khăn trong chi phí hằng tháng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thấy được việc làm hết sức ý nghĩa của bếp ăn tình thương, các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân đã nhiệt tình ủng hộ. Nhờ vậy, bếp ăn đã duy trì ổn định việc phục vụ bữa cơm miễn phí trong suốt những năm qua, số suất ăn đăng ký ngày một nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày bếp ăn phục vụ khoảng 500 suất ăn miễn phí, ngày cao điểm có khi lên đến 700 suất.

Để bếp ăn tình thương không bị “tắt bếp” là nhờ sự quan tâm, đóng góp thường xuyên của các nhà hảo tâm, các cá nhân, doanh nghiệp trong đó có Công ty cổ phần Cấp Nước Bà Rịa – Vũng Tàu (BWACO). Hoạt động này đã được công ty duy trì liên tục trong những năm qua cho cả hai bếp ăn tình thương ở bệnh viện Lê Lợi và bệnh viện Bà Rịa.

 Có mặt tại bếp ăn vào một ngày cuối tháng 4 năm 2011, vào đúng giờ phát cơm, nhóm công tác từ thiện chúng tôi cảm nhận rất rõ những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của bệnh nhân hay thân nhân của người bệnh khi được chia sẻ nỗi khó khăn vất vả qua bữa ăn đầy tình nghĩa. Chị Dương Thị Hạnh, ở phường Phước Hiệp tâm sự “Tôi đang bị bệnh thanh quản chờ mổ, đã nằm ở đây mấy tuần rồi, ngày nào tôi cũng xuống đây đăng ký bữa ăn miễn phí, đỡ phải lo tiền ăn”. Rồi chị quay sang nơi phát cơm : “Hôm nay cho nhiều thêm một chút, gắng ăn để lấy sức sáng mai mổ”. Hay như chị Nguyễn Thị Thu, sống ở Long Hải, chồng chị bị bệnh phổi lâu năm, tháng nào cũng phải vào viện hai lần. Mỗi lần vào viện cả hai vợ chồng chị đều đăng ký cơm miễn phí ở bếp ăn. Chị bảo “Có bếp ăn tình thương này đỡ lắm, chúng tôi mang ơn các cô, các chú phục vụ ở đây rất nhiều”. Chúng tôi gặp chị Phúc, nhà ở Phước Cơ, hai tay bưng rất nhiều đồ ăn liền hỏi thăm, chị chia sẻ, con chị đang bị bệnh, cả hai vợ chồng cùng vào chăm con nên lấy cơm cho cả nhà cùng ăn luôn. Không những chỉ phục vụ cho bệnh nhân, công nhân viên của bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn cũng đăng ký dùng cơm miễn phí tại đây.

Đằng sau những phần cơm tình thương này không thể không nhắc đến những nghĩa cử cao đẹp, hết sức thầm lặng của các cô, các chú phục vụ, luôn thức khuya dậy sớm, nhặt từng cọng rau, nấu từng nồi cơm làm nên bữa ăn cho người bệnh. Bếp chỉ có năm người nên phải thay nhau làm việc liên tục để ngay từ sáng sớm đã có cháo, sữa đậu nành, nước sôi phục vụ bệnh nhân. Mọi công việc đều được phân công cụ thể : Cô Ba Phụng chuyên nấu đồ ăn, chú Năm Tuấn vừa đảm nhiệm công việc quản lý vừa phụ trách việc nấu cơm, nấu cháo, sữa đậu nành và nước sôi, còn phụ việc đã có cô Tám, cô Hoa, cô Châu vì thế việc phát cơm luôn đảm bảo đúng giờ. “Mỗi ngày chúng tôi nấu khoảng 80 kg gạo, có ngày nấu cả 100kg”- chú Tuấn quản lý bếp ăn cho biết. Mặc dù làm việc vất vả lại không có thù lao gì nhưng tất cả đều vui vẻ, nhiệt tình. Cao tuổi nhất là cô Văn Thị Tám, 73 tuổi đã phục vụ ở đây bốn năm cho chúng tôi biết, cô lớn tuổi rồi nên chỉ phụ được việc nhặt rửa rau thôi, mọi vất vả nặng nhọc đều nhờ cô gái Nguyễn Thị Châu, 25 tuổi, nhà ở xã An Nhất đảm nhiệm. Thật ngạc nhiên khi biết chồng chị Châu là thợ hồ, hàng ngày đưa đón chị đi làm và rất ủng hộ việc làm của vợ, không hề đắn đo gì. Chúng tôi vô cùng cảm phục và trân trọng sự hy sinh công sức, thời gian của những người phục vụ bếp ăn để đem đến niềm vui, sự an ủi cho các bệnh nhân nghèo.

 Chia tay bếp ăn sau khi thưởng thức bữa ăn trưa “tình thương” thật vừa miệng, trên đường trở về chúng tôi cứ trăn trở mãi. Những hình ảnh vừa ghi nhận được như một lời nhắn nhủ rằng những người nghèo đang rất cần những vòng tay nhân ái, sẻ chia của cộng đồng – xã hội.

                                                                          Phòng Dịch vụ Khách hàng